TAY GIẢ ĐIỆN SINH HỌC LÀ GÌ?
Đã cập nhật: 6 thg 1
Tay giả điện sinh học là gì ? Ưu và nhược điểm so với các loại tay giả khác
Số lượng người phải cắt bỏ tay tăng dần theo thời gian với các nguyên nhân chính bao gồm bệnh tật và tai nạn như bệnh đái tháo đường, bệnh mạch máu, chấn thương, bệnh ác tính về xương hoặc khớp, chiến tranh, tai nạn giao thông, tai nạn lao động…. Ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ước tính có khoảng 0,5% dân số bị khuyết tật về thể chất cần sử dụng bộ phận giả hoặc dụng cụ chỉnh hình. Sự ra đời của tay giả điện sinh học là một giải pháp tuyệt vời để giảm bớt ảnh hưởng của tình trạng mất chi này và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật.
1. Định nghĩa tay điện giả sinh học
Tay giả điện sinh học là một thiết bị tay giả sử dụng công nghệ EMG hay còn được gọi là kỹ thuật điện cơ đồ (EMG). Đây là một kỹ thuật sinh học (bionic) được sử dụng với mục đích áp dụng cơ chế của dây thần kinh và cơ bắp của các bộ phận trên cơ thể để điều khiển tay giả. Chúng hoạt động bằng cách ghi lại hoạt động do các cơ xương của bộ phận đó tạo ra, truyền tín hiệu đó đến các tay giả để tạo nên chuyển động ở bộ phận này.

Cụ thể hơn, tay giả điện sinh học hoạt động dựa trên nguyên tắc như sau: các điện cực sử dụng cảm biến và các phương tiện đầu vào khác để nhận tín hiệu điện từ, các tín hiệu điện từ này được tạo ra bởi các cơ (của phần còn lại của cánh tay bệnh nhân) và truyền dữ liệu đến bộ vi xử lý của tay giả. Để từ đó, cánh tay giả thực hiện một cử chỉ hoặc động tác nhất định nào đó. Với sự phát triển và tiến bộ của công nghệ, tay điện giả sinh học là lựa chọn hoàn hảo cho người khuyết tật cánh tay. Chúng hỗ trợ cho việc thực hiện các kỹ năng vận động được nhanh chóng, không còn trở ngại.

Cấu tạo của một cánh tay giả điện sinh học bao gồm các phần như pin, điện cực, động cơ, công tắc, vòng Myoband và nhiều thành phần điện tử khác. Các tín hiệu điện sinh học sau đó được khuếch đại, xử lý và thay đổi để có thể sử dụng một cách phù hợp, giúp bệnh nhân điều khiển bàn tay giả.

(Tay robot Vulcan và vòng cảm biến sinh học Myoband)
2. Ưu nhược điểm của tay điện giả sinh học
Chức năng cơ bản của tay điện giả sinh học là cho phép người dùng thực hiện nhiều hành động theo thói quen và không cảm thấy khó chịu hoặc hạn chế trong các hoạt động hàng ngày. Bởi bàn tay giả này dễ dàng nắm và mở các ngón tay, bàn tay thông qua các tín hiệu cơ bắp truyền vào một mô tơ nhỏ thiết kế gọn bên trong bàn tay.
Vì những bàn tay giả này được cung cấp năng lượng từ các nguồn bên ngoài nên lực nắm của chúng thường lớn hơn so với các bộ phận được cung cấp năng lượng từ cơ thể. Bộ phận này cũng không yêu cầu bất kỳ dây đai hay hệ thống cáp bao quanh để giữ tay giả tại chỗ. Do đó chúng ít bị hạn chế hơn và cho phép người dùng tự do di chuyển hơn.
Tuy nhiên, là một sản phẩm công nghệ cao, tay điện giả sinh học có giá bán cao hơn các loại khác. Ngoài ra, người mang cũng cần bỏ thêm chi phí duy trì vận hành sản phẩm định kỳ theo thời gian.
3. Sự khác biệt giữa các loại tay giả
Trên thị trường hiện nay có 3 loại tay giả khác nhau, bao gồm: tay giả điện sinh học, tay giả cơ và tay giả thẩm mỹ. Sự khác biệt giữa chúng để bạn có thêm thông tin, lựa chọn sản phẩm phù hợp được trình bày ngay sau đây.
3.1. Tay giả thẩm mỹ
Tay giả thẩm mỹ không có các khớp hoạt động, nó chỉ bắt chước cấu trúc giải phẫu của bàn tay, bàn tay và ngón tay, và được chỉ định vì lý do thẩm mỹ, chứ không chú trọng nhiều đến chức năng. Những bàn tay giả này cung cấp cho người tàn tật một vẻ ngoài hoàn thiện hơn.
Tay giả thẩm mỹ hiện nay có sẵn dưới dạng thiết bị tĩnh hoặc thiết bị điều chỉnh được. Cánh tay giả tĩnh cố định và hoàn toàn không di chuyển. Ngược lại, bàn tay giả có thể điều chỉnh bao gồm một cơ cấu nắm hoặc khóa có thể điều chỉnh được. Người dùng có thể khóa khuỷu tay nếu cần uốn nắn các ngón tay. Mặc dù đây có thể là một lựa chọn thỏa đáng cho nhiều bệnh nhân bị mất chi trên, nhưng nó không phù hợp đối với những người mong muốn sử dụng chức năng tay nhiều hơn.

3.2. Tay giả cơ
Đây là loại tay giả vận hành bằng cơ thể. Cơ chế của nó là các bộ phận của tay giả đều được điều khiển bởi chuyển động và lực cơ thể của chính người dùng. Lực cần thiết để điều khiển và di chuyển các bộ phận được truyền cơ học từ các cơ còn lại của chính người dùng thông qua dây đai và hệ thống cáp neo vào tay giả. Đối với những người bị cụt tay nhiều (ví dụ từ vai xuống), lực cơ cần thiết này được truyền từ phía đối diện.

Ưu điểm của loại tay giả cơ học là sử dụng đơn giản hơn, bền hơn, ít phải bảo trì hơn và thường tiết kiệm chi phí hơn so với các loại tay thay thế khác. Tuy nhiên, lực và sức mạnh thích hợp cần thiết để vận hành bàn tay giả một cách thoải mái tùy thuộc vào một số yếu tố của bệnh nhân, bao gồm sức mạnh, tư thế và chuyển động có sẵn khác trong các khớp giải phẫu. Hạn chế chính của việc sử dụng tay giả chạy bằng cơ là nó cồng kềnh vì nó đòi hỏi phải đeo dây nịt và hệ thống dây cáp để vận hành.
4. Nên hay không nên chọn tay điện?
Câu trả lời là tùy thuộc vào mục đích của bạn khi lắp tay giả để bạn lựa chọn loại phù hợp, theo từng ưu nhược điểm mà chúng tôi đã liệt kê ở trên đây.
Nếu bạn mong muốn có ngoại hình đẹp hơn, thẩm mỹ hơn mà không cần sử dụng chức năng tay thì tay giả thẩm mỹ là lựa chọn nên cân nhắc. Tuy nhiên, nếu bạn mong muốn tìm kiếm tay giả chi phí thấp, có thể sử dụng được lâu dài, chấp nhận sự cồng kềnh bởi hệ thống bộ phận nâng đỡ đi kèm thì tay giả cơ là lựa chọn hoàn hảo.

Còn trong trường hợp bạn muốn cánh tay giả có các chức năng giống cánh tay thật nhiều nhất, mang lại cảm giác tự nhiên, dễ chịu nhất có thể thì tay giả điện sinh học là lựa chọn tốt nhất. Bởi nhờ khả năng điều khiển cảm biến sinh học, khi người dùng muốn hoạt động cánh tay, não phát xung thần kinh để cơ co lại, tạo ra điện thế. Tay giả điện sinh học sẽ nhận biết số lượng điện thế này để thực hiện các hoạt động theo đúng nhu cầu của người dùng. Nhờ đó, bạn có thể thoải mái cầm nắm mọi đồ vật, nâng hạ cánh tay một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, là sản phẩm công nghệ tiên tiến hơn 2 loại trên, tay giả điện sinh học cũng đi kèm với mức giá cao hơn. Và là đồ điện tử thì chắc chắn bạn sẽ cần phải bảo dưỡng chúng định kỳ. Mặc dù vậy, tin vui dành cho những ai đang băn khoăn về chi phí tay điện sinh học đó là Việt Nam cũng đã phát minh và sản xuất loại tay điện giả Vulcan với giá thành chỉ 30 triệu đồng, có chính sách trả góp 0%. Giờ đây, việc sở hữu một cánh tay giả thông minh, thực hiện đa dạng hoạt động không kém tay thật với mức giá trả góp chỉ vài chục ngàn mỗi ngày trở nên hoàn toàn khả thi.
Tóm lại, là một bệnh nhân, việc lựa chọn bàn tay giả phù hợp là một quyết định quan trọng. Với những phân tích về tay giả điện sinh học, cánh tay giả thẩm mỹ và cơ trên đây, hy vọng bạn sẽ có thêm thông tin cho quyết định đúng đắn của mình.