top of page
Tìm kiếm

Phẫu thuật cấy ghép tay và những điều cần biết

Đã cập nhật: 23 thg 11

Phẫu thuật cấy ghép tay hiện nay được coi là một giải pháp điều trị cho người bị đoạn chi. Phương pháp này ra đời đã mang lại không ít hy vọng cho những người không may mất đi một hoặc cả hai bàn tay. Vậy cụ thể phẫu thuật cấy ghép tay là gì? Cần đáp ứng những điều kiện nào để có thể cấy ghép tay? Liệu đây có phải là một giải pháp thiết thực nhất dành cho người khuyết tật?

Chúng ta hãy cùng Vulcan tìm hiểu chi tiết qua các thông tin dưới đây.


1. Phẫu thuật cấy ghép tay là gì?

Phẫu thuật cấy ghép tay là phương pháp cấy ghép bàn tay từ người này sang người khác. Trong đó, người bệnh sẽ được ghép bàn tay và một phần cánh tay do người khác hiến tặng. Phần cánh tay mới này có thể giúp phục hồi cảm giác của bàn tay cũng như một số chức năng nhất định và cải thiện cuộc sống.


Tuy vậy, người được cấy ghép sẽ phải cam kết theo dõi, điều trị suốt đời. Bên cạnh việc uống thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép, người được ghép cũng cần tham gia vật lý trị liệu để lấy lại chức năng của bàn tay vừa cấy. Theo ghi nhận, những bệnh nhân tuân thủ việc uống thuốc và tập luyện đã thành công trong việc phục hồi các chức năng của bàn tay mới.


Một người bị mất tay vừa mới được ghép tay và so sánh tay bình thường và tay được ghép
Phẫu thuật ghép tay là phương pháp cấy ghép tay từ người này sang người khác (nguồn ảnh: Internet)

2. Phẫu thuật cấy ghép tay cần đáp ứng những điều kiện nào?

Phẫu thuật cấy ghép tay là một thủ thuật rất phức tạp và không thể thực hiện rộng rãi ở tất cả mọi nơi. Trên thế giới hiện nay chỉ có vài trung tâm y học có thể tiến hành phương pháp này. Ngoài ra, để cấy ghép được bàn tay mới, các bác sĩ cần xem xét một loạt các yếu tố như nhóm máu, loại mô, màu da, độ tuổi, giới tính, kích thước bàn tay và khối lượng cơ bắp. Người được cấy ghép cũng cần đảm bảo sức khỏe và không nhiễm HIV, không bị ung thư trong 5 năm gần nhất, không có tiền sử bị viêm gan C, không bị tiểu đường hoặc rối loạn đông máu. Với nữ giới, trong một năm sau cấy ghép thì cần cam kết không được mang thai.


Nếu tất cả những yếu tố trên đây đều đạt yêu cầu, người nhận cánh tay sẽ được xếp vào danh sách chờ đợi. Các bác sĩ cần thời gian để tìm kiếm một cánh tay phù hợp và tương đồng từ những người hiến tặng. Trong giai đoạn này, người nhận cần duy trì sức khỏe của mình ở trạng thái tốt nhất để có thể sẵn sàng bước vào thời kỳ điều trị bất cứ lúc nào.


3. Những kết quả của phẫu thuật cấy ghép tay

Phẫu thuật cấy ghép tay còn tương đối mới nên việc dự đoán kết quả của quá trình ghép thường rất khó. Việc có thể phục hồi bao nhiêu chức năng của bàn tay tùy thuộc vào việc tuân thủ các phương pháp điều trị của người nhận. Tuy nhiên, hầu hết các ca ghép tay trên thế giới hiện nay đã có thể thực hiện một số hoạt động như:

  • Cầm nắm các vật nhỏ như các loại hạt, ốc vít.

  • Nâng được vật nặng như bình sữa đầy.

  • Sử dụng được chìa khóa, dao, nĩa.

  • Buộc dây giày.

  • Xòe bàn tay ra và nắm lại.

  • Chơi được với quả bóng nhỏ.

4. Những rủi ro khi cấy ghép tay

Mặc dù có những kết quả khả quan nhưng phẫu thuật cấy ghép tay cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nguy hiểm.

4.1. Rủi ro trong quá trình phẫu thuật

Phẫu thuật cấy ghép tay là một cuộc đại phẫu thực sự phức tạp và có thể kéo dài từ 8-12 giờ. Các bác sĩ sẽ tiến hành gắn lại xương, động mạch, tĩnh mạch, gân, cơ, các dây thần kinh và da. Do vậy, chúng sẽ mang tất cả các yếu tố rủi ro thường gặp trong một ca cấy ghép như nhiễm trùng, xuất hiện các cục máu đông hoặc chảy máu. Sự hình thành các cục máu đông có thể làm giảm lượng máu đến phần tay ghép và cần được xử lý ngay lập tức.


4.2. Thải ghép

Đây là hiện tượng cơ thể từ chối bàn tay mới. Nguyên nhân là bởi hệ miễn dịch xem bàn tay được ghép là một đối tượng lạ, tương tự như các vi khuẩn hoặc virus đang xâm nhập. Do đó, chúng sẽ cố gắng tiêu diệt các mô vừa được cấy ghép. Cơ chế thải ghép này có hai dạng:

  • Thải ghép cấp tính: Hệ miễn dịch muốn nhanh chóng loại bỏ bàn tay ghép bằng cách tấn công mạch máu và các mô mới. Người nhận bàn tay có thể bị phát ban, sưng, đau hay thay đổi màu da cánh tay, bàn tay. Trường hợp này có thể kiểm soát bằng thuốc nhưng cũng có thể phải tháo bỏ phần tay đã cấy ghép. Sau đó, người nhận vẫn có thể cấy tay mới nhưng việc tìm được bàn tay tương đồng sẽ khó khăn hơn.

  • Thải ghép mạn tính: Hiện tượng này có thể xảy ra trong thời gian dài. Lúc này, bàn tay mới có thể sẽ rất đau đớn hoặc mất dần các chức năng. Một số dấu hiệu dễ nhận thấy như lông trên tay được cấy ghép rụng dần, các móng tay thay đổi.

Rủi ro thải ghép trong phẫu thuật ghép tay rất thường xảy ra. Do đó, người nhận cũng sẽ được hướng dẫn chi tiết về cách nhận biết các dấu hiệu của chúng. Nếu thấy có bất kỳ bất thường nào, người được cấy ghép cần báo ngay với các bác sĩ.

Một bàn tay vừa được ghép vào tay của người bệnh
Khi cấy ghép tay, người nhận sẽ đối mặt với nhiều rủi ro (Nguồn ảnh: Internet)

4.3. Ức chế miễn dịch

Đây là rủi ro đến từ loại thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép mà bệnh nhân có thể phải dùng suốt đời. Khi dùng thuốc này sẽ đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch bị yếu đi. Do đó, chúng làm gia tăng một số nguy cơ về sức khỏe như:

  • Tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, tiểu đường và các nhiễm trùng nguy hiểm.

  • Tổn thương ở thận.

  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tăng cholesterol.

  • Loãng xương.

  • Tăng cân.

  • Mất ngủ.

  • Rụng tóc.

  • Tiêu chảy.

  • Nhức đầu.

  • Buồn nôn.

Người nhận cần uống thuốc đúng giờ, không tự ý bỏ thuốc và hiểu rõ những tác dụng phụ của chúng. Điều đó sẽ giúp làm giảm tác động tiêu cực của chúng cũng như giảm sự lo lắng về mặt tâm lý.


5. Thực trạng cấy ghép tay tại Việt Nam và trên thế giới

Mặc dù phẫu thuật cấy ghép tay mang đến nhiều lợi ích và giúp người nhận có được một cánh tay thật nhưng cho đến nay, số lượng ca ghép tay trên thế giới là tương đối ít. Ca ghép tay đầu tiên được thực hiện vào năm 1964 nhưng bị thải ghép chỉ sau 2 tuần. Năm 1998 là năm có ca ghép tay thành công lần đầu. Từ đó đến nay cũng mới chỉ có vài chục ca được tiến hành. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những rủi ro của thuốc ức chế miễn dịch, chi phí cấy ghép, phục hồi chức năng rất cao và nguồn tay hiến tặng khan hiếm.


Tại Việt Nam, hiện mới chỉ có hai ca ghép tay thành công được tiến hành vào năm 2020 tại bệnh viện 108. Trong đó 1 ca được ghép tay từ người cho còn sống và 1 ca được ghép cả 2 cẳng tay từ người hiến đã chết não.

Một người bệnh vửa được ghép tay thành công và kiểm tra bởi đội ngũ phẫu thuật
Ca cấy ghép tay thành công đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2020(nguồn: internet)

6. Mang tay giả - giải pháp thực tế cho người đoạn chi

So với phẫu thuật cấy ghép tay nhiều rủi ro và chi phí quá cao, mang tay giả được coi là một giải pháp thực tế và phù hợp hơn cả với người bị đoạn chi. Đặc biệt, cánh tay robot do Vulcan sản xuất hiện nay chỉ từ 18 triệu đồng với các chức năng đa dạng và linh hoạt đạt chuẩn y tế, cho phép người dùng thích nghi với việc điều khiển chỉ trong vòng tối đa 30 phút, được coi là một lựa chọn tuyệt vời hơn cả.


Với cánh tay này, người mang có thể tự sinh hoạt, bưng bê, sử dụng máy tính, lái xe và thậm chí là chống đẩy/hít đất một cách dễ dàng. Không chỉ giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt, cánh tay này còn giúp người khuyết tật có thể tái hòa nhập cộng đồng, làm việc và chứng minh được vai trò của bản thân.

Hiện nay, cánh tay giả Vulcan đã có mặt ở 17 trung tâm và bệnh viện chỉnh hình trên toàn quốc.

Hai người khuyết tật đang sử dụng tay điện chức năng của Vulcan và chụp hình cùng nhau
Dũng và Khe - hai người dùng lâu năm của Vulcan. Cánh tay giả chức năng Vulcan - giải pháp thực tế và nhiều lợi ích cho người đoạn chi

Trên đây là toàn bộ những điều cần biết liên quan đến phẫu thuật ghép tay giả cũng như gợi ý giải pháp thiết thực dành cho người bị đoạn chi. Hy vọng rằng đây sẽ là những thông tin bổ ích, giúp người khuyết tật có thêm lựa chọn và tự tin hơn vào cuộc sống.


Nếu cần được tư vấn về cánh tay giả, bạn có thể gọi ngay số hotline 03 3838 0737 (Được) hoặc đăng ký ở đây để được hỗ trợ nhanh nhất.

Các bài viết khác bạn có thể đọc tham khảo thêm cùng gia đình trong quá trình tìm kiếm giải pháp sau đoạn chi.


1.087 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page