Những căn bệnh dẫn đến cắt cụt chi - cách ngăn ngừa và điều trị
Cắt cụt chi là việc loại bỏ một phần hoặc toàn bộ chi trên hay chi dưới. Việc này thường được tiến hành do sự tiến triển của các bệnh mãn tính hoặc chấn thương. Vậy có những căn bệnh nào dẫn đến cắt cụt chi? Cách ngăn ngừa và điều trị chúng như thế nào? Hãy cùng Vulcan khám phá ngay những thông tin này trong bài viết dưới đây nhé.
Bệnh tiểu đường dẫn đến cắt cụt chi
Theo một số liệu thống kê của bệnh viện Johns Hopkin - một trong những bệnh viện hàng đầu thế giới hiện nay, có khoảng 54% ca cắt cụt chi là do các biến chứng của bệnh về máu và các tình trạng ảnh hưởng đến lưu lượng máu. Trong đó tiểu đường chính là một căn bệnh điển hình. Ước tính hiện nay trên toàn thế giới cứ mỗi 30 giây lại có một người mắc bệnh tiểu đường(hay còn gọi là đái tháo đường) bị cắt cụt chân. Vậy nguyên nhân do đâu mà căn bệnh này gây nguy hiểm như vậy?
Nguyên nhân bệnh tiểu đường dẫn đến cắt cụt chi
Khoảng 15-25% người bị bệnh tiểu đường có vết loét ở chân. Những vết loét này rất khó lành và có thể dẫn đến hoại tử, biến dạng bàn chân,... Khi đó, các bác sĩ bắt buộc phải cắt bỏ phần này để bảo vệ cho sức khỏe của người bệnh. Chính vì vậy, người mắc căn bệnh này có nguy cơ phải cắt cụt chi cao gấp 25 lần so với thông thường. Mặt khác, điều này còn có thể liên quan đến những biến chứng của bệnh tiểu đường về thần kinh ngoại biên và tim mạch.

Tiểu đường là căn bệnh dẫn đến cắt cụt chi nhiều nhất hiện nay
Biến chứng thần kinh ngoại biên dẫn đến cắt cụt chi
Biến chứng thần kinh ngoại biên do tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cắt cụt chi. Lúc này, bệnh nhân tiểu đường thường có lượng đường trong máu và huyết áp quá cao. Chúng dẫn đến hiện tượng tổn thương các dây thần kinh ngoại biên như tay, chân, dây thần kinh sọ não…. với các biểu hiện như:
Tê tay và chân, ngứa ran hoặc bỏng rát, đôi khi có cảm giác như kiến bò hoặc kim châm.
Giảm cảm nhận về cơn đau, nhiệt độ(nóng, lạnh, v.v.), đặc biệt là ở khu vực bàn chân
Đau ở xương khớp và cảm giác đau thường nặng hơn vào ban đêm
Đau khi đi lại, có khi chạm nhẹ vào cũng rất đau, đi lại khó khăn và yếu cơ.
Các vết thương thường khó lành, bàn chân có vết loét do nhiễm trùng hoặc biến dạng.
Biến chứng tim mạch dẫn đến cắt cụt chi
Bệnh tiểu đường thương dẫn đến tăng lượng cholesterol tích tụ trên thành mạch máu và hình thành các mảng xơ vữa động mạch. Theo thời gian, các mảng xơ vữa dày lên và cứng lại, mạch máu trở nên kém đàn hồi, dễ bị viêm nhiễm và lòng mạch hẹp dần. Vì vậy, lượng máu cung cấp đến bàn chân giảm sút, làm chậm quá trình lành các vết loét ở chân và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử ở chi dưới. Biến chứng này thường có các dấu hiệu:
Đau nhức khi vận động.
Chân tay bị chuột rút hoặc tê bì.
Một bên chân lạnh, màu sắc nhợt nhạt.
Khi nào phải cắt cụt chi do bệnh tiểu đường?
Cắt cụt chi là biện pháp cuối cùng mà bác sĩ bắt buộc phải lựa chọn để xử lý phần chi bị hoại tử. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ cắt lọc để bảo tồn hoặc cắt toàn bộ chi để giữ tính mạng người bệnh. Thông thường, người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng này khi:
Sốt cao hoặc lạnh run.
Ở bàn chân có tụ dịch.
Các vết loét ở bàn chân thâm đen.
Có không ít các trường hợp đã điều trị vết loét ở chân cho người bệnh tiểu đường nhưng chúng vẫn tái phát và trở nên nặng hơn. Lúc này, giải pháp cắt cụt chi sẽ là lựa chọn cuối cùng.

Một vết loét bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường có thể dẫn đến hoại tử và phải cắt cụt chi
Ngăn ngừa cắt cụt chi do bệnh tiểu đường như thế nào?
Tích cực điều trị bệnh tiểu đường theo đúng hướng dẫn của bác sĩ
Để phòng ngừa những biến chứng của bệnh tiểu đường có thể dẫn đến cắt cụt chi, người bệnh cần tuân thủ đúng những hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, cần điều chỉnh lối sống để hạn chế tác hại của căn bệnh này, bao gồm:
Có chế độ ăn lành mạnh: Ăn nhạt, ăn nhiều cá, ít mỡ, bổ sung nhiều kali và rau xanh trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Hạn chế toàn bộ các kích thích như đồ uống có cồn, bia rượu và không hút thuốc lá.
Theo dõi và duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao với các bộ môn phù hợp.
Bảo vệ bàn chân
Bên cạnh việc điều trị tích cực bệnh tiểu đường, người bệnh cần chú ý hơn trong việc chăm sóc bàn chân của mình để hạn chế nguy cơ bị cắt cụt:
Thường xuyên kiểm tra bàn chân để có thể phát hiện sớm các vết trầy xước, loét, mụn hoặc các tổn thương khác và kịp thời xử lý.
Luôn chú trọng việc vệ sinh bàn chân hàng ngày, bảo đảm bàn chân luôn sạch sẽ, nhất là các kẽ ngón chân.
Không nên cắt móng chân quá sâu để tránh nguy cơ trầy xước.
Chọn loại giày dép phù hợp để tránh ép bàn chân, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.

Người bị bệnh tiểu đường cần chú ý chăm sóc bàn chân một cách cẩn thận
Bệnh động mạch ngoại biên(PAD)
Nhắc đến những căn bệnh dẫn đến cắt cụt chi thì chúng ta không thể không nhắc đến bệnh động mạch ngoại biên(PAD). Đây là tình trạng thu hẹp các động mạch bên ngoài tim và não, thông thường là ở các động mạch dẫn đến các chi dưới. Khi gặp phải tình trạng này, hiện tượng thiếu máu chi dưới sẽ xuất hiện. Từ đó, chúng có thể dẫn đến nguy cơ cắt cụt chi và nghiêm trọng hơn là tử vong.
Những dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại biên có thể dẫn đến cắt cụt chi
Khi các động mạch bị hẹp lại, chúng dẫn đến máu lưu thông kém và không đến đủ để nuôi dưỡng các chi dưới. Điều này cũng dẫn đến sự chuyển hóa yếm khí và có thể sinh ra nhiều axit lactic. Do đó, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức chân khi vận động. Từ đó, quãng đường đi ngày càng bị thu hẹp và lâu dần dẫn đến yếu cơ, teo chân. Mặt khác, máu lưu thông kém đến vùng này cũng sẽ khiến cho các vết thương ở đây khó lành và lâu dần dẫn đến hoại tử. Cuối cùng, người bệnh sẽ phải cắt cụt chi. Nếu mắc phải căn bệnh này, mọi người có thể gặp phải các dấu hiệu sau:
Chuột rút không liên tục: Cơn chuột rút thường diễn ra ở vùng mông và chân khi người bệnh đi bộ. Chúng sẽ giảm xuống khi bệnh nhân dừng lại.
Lạnh và tê bàn chân, mất cảm giác ở chi dưới
Rụng lông chân.
Khi gặp cảm giác đau nhức hoặc chuột rút ở chi dưới, người bệnh sẽ dần dần ít vận động và dẫn đến các nguy cơ khác như tăng cân, gia tăng cholesterol trong máu, bệnh huyết áp cao và một số bệnh về tim mạch, đường máu khác. Khi tiến triển đến giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân sẽ đau nhức ngay cả khi không vận động. Cuối cùng là đến các dấu hiệu thiếu máu cục bộ như loét da, hoại tử đen bàn hoặc ngón chân và bắt buộc phải cắt bỏ.

Bệnh động mạch ngoại biên khiến máu lưu thông kém và thiếu máu chi dưới
Điều trị và ngăn ngừa cắt cụt chi do bệnh động mạch ngoại biên như thế nào?
Các biện pháp trị bệnh động mạch ngoại biên khá đa dạng, bao gồm phẫu thuật, can thiệp nội mạch và điều trị nội khoa. Trong đó, can thiệp nội mạch hiện nay là phổ biến nhất bởi tính chất ít xâm lấn, có thể tác động đến những mạch máu nhỏ, thời gian nằm viện ngắn và nhanh hồi phục. Tuy nhiên, căn bệnh này rất dễ tái phát nên người bệnh vẫn cần kết hợp điều trị nội khoa, xây dựng lối sống lành mạnh,...để có được trạng thái khỏe mạnh nhất. Cụ thể như sau:
Loại bỏ hoàn toàn việc hút thuốc lá.
Áp dụng các biện pháp kiểm soát bệnh tiểu đường và huyết áp.
Áp dụng các biện pháp để làm giảm cholesterol trong máu và chất béo trung tính.
Dùng thuốc chống đông máu để ngăn các cục máu đông.
Tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bệnh ung thư dẫn đến cắt cụt chi
Ung thư cũng là một trong những căn bệnh dẫn đến cắt cụt chi và chiếm tỉ lệ khoảng 2% trong tổng số các ca phải loại bỏ chi. Các bệnh như ung thư xương có thể ảnh hưởng đến xương và mô mềm. Nếu khối u quá lớn, khó loại bỏ hoặc tái phát và lan rộng vào các dây thần kinh, mạch máu thì người bệnh cần phải cắt cụt chi. Ung thư cũng là nguyên nhân dẫn đến cắt cụt chi nhiều nhất trong độ tuổi từ 10-20 tuổi.
Dấu hiệu của bệnh ung thư xương
Các triệu chứng của bệnh ung thư xương có thể bao gồm:
Một khối u hoặc cục sưng tấy không đau trên cơ thể.
Đâu và/hoặc sưng cánh tay hoặc chân, thân thể, xương chậu hoặc lưng.
Sốt không rõ nguyên nhân.
Xương gãy không rõ nguyên nhân.
Khả năng vận động bị hạn chế.
Một số trường hợp bệnh nhân bị ung thư xương có thể không có bất kỳ dấu hiệu gì cho đến khi khối u lớn, chèn ép lên các dây thần kinh và gây đau. Mặt khác, dấu hiệu của căn bệnh này cũng có thể giống với các dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác. Vì vậy, người bệnh nên đến thăm khám để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác.

Ung thư xương cũng là một trong những căn bệnh dẫn đến cắt cụt chi
Điều trị bệnh ung thư xương như thế nào?
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và độ tuổi mà người bệnh sẽ được chỉ định điều trị thích hợp. Theo đó, các phương pháp cụ thể bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp giữa các biện pháp này. Nếu có thể tái tạo thì việc này cũng sẽ được tiến hành cùng lúc trong quá trình điều trị.
Cắt cụt chi do nhiễm trùng vết thương
Nhiễm trùng vết thương hay nhiễm trùng huyết nặng còn được gọi là nhiễm độc máu. Chúng xảy ra khi vi khuẩn kháng thuốc áp đảo cơ thể và lan truyền trong máu. Nhiễm trùng huyết có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu và khiến các mô bị chết, đặc biệt là ở ngón chân, ngón tay, bàn tay và bàn chân. Nhiễm trùng huyết nặng có thể gây chết người nếu thuốc kháng sinh không thể kiểm soát nhiễm trùng. Đối với những trường hợp nhiễm trùng xảy ra ở một bộ phận cơ thể mà nếu loại bỏ chúng sẽ giúp người bệnh hồi phục thì việc cắt cụt chi có thể là cần thiết để cứu sống người bệnh. Tùy theo từng loại nhiễm trùng, loại vi khuẩn mà người bệnh sẽ có những hướng điều trị khác nhau.
Cắt cụt chi bẩm sinh
Đây là trường hợp không phải cắt cụt chi do phẫu thuật mà do tình trạng thiếu chi hoặc một phần chi ngay từ khi mới sinh ra. Đứa trẻ gặp phải tình trạng này có thể cân nhắc lắp chi giả sau khi lớn lên nếu bố mẹ cảm thấy đó là việc cần thiết và có thể giúp ích cho đứa trẻ sau này.
Trên đây là một số căn bệnh dẫn đến cắt cụt chi thường gặp. Việc cắt cụt chi do những căn bệnh này có thể bao gồm việc loại bỏ một phần hoặc toàn bộ chi trên hay chi dưới để giữ tính mạng cho người bệnh. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể cân nhắc giải pháp sử dụng chi giả để phục hồi vận động cũng như các chức năng cơ bản của chi đã mất.
-----
📞 Hotline Zalo tư vấn sản phẩm & trải lòng: 0338 380 737 (Được)
🦾🦿 Bảng giá chi phí lắp đặt tay chân giả: https://www.wearevulcan.com/chi-phi-lap-dat-tay-chan-gia