Crowdfunding là gì? Startup Việt Nam có thể gọi vốn cộng đồng không?
Đã cập nhật: 29 thg 8, 2021
Gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) là một kênh tài chính tiềm năng, giúp các doanh nghiệp, nhất là những startup “rao bán trước” một sản phẩm hoặc dịch vụ sắp được triển khai mà không phát sinh nợ hoặc hy sinh vốn chủ sở hữu hay cổ phần.
Vậy bạn đã hiểu rõ về crowdfunding và startup Việt Nam làm cách nào để xây dựng được một chiến dịch gây quỹ cộng đồng thành công?

Crowdfunding là gì?
Hiểu ngắn gọn, crowdfunding là hình thức tài trợ cho một dự án hoặc liên doanh bằng cách tăng cường sự đóng góp tiền từ một số lượng lớn người tham gia, thường thông qua internet. Crowdfunding tạo cơ hội cho các doanh nhân huy động một số vốn lớn từ cộng dồng, hay cụ thể hơn là bất kỳ ai có tiền đều có thể đầu tư.
Toàn bộ số tiền được ủng hộ sẽ chuyển về chủ sở hữu của chủ dự án kêu gọi gây quỹ cộng đồng. Khi gây quỹ thành công, số tiền sẽ được dùng để hoàn thành dự án và phát triển công ty. Trong trường hợp gọi vốn không thành công, số tiền ủng hộ sẽ được chuyển trả lại cho từng nhà đầu tư cá nhân.
Hiện nay, các doanh nghiệp thường gọi vốn trên các crowdfunding platforms hay các trang web gây quỹ cộng đồng. Nổi bật đó là các trang nước ngoài như Kickstarter hay IndieGoGo.
Mỗi trang web gây quỹ sẽ lấy doanh thu từ một tỷ lệ phần trăm của các quỹ được huy động. Thông thường, mô hình gọi vốn bao gồm 3 nhân tố là:
– Người/nhóm khởi xướng dự án (Như Vulcan và dự án UpLift nè)
– Các cá nhân hoặc nhóm người ủng hộ dự án (là những người có tiền, quan tâm và muốn chi tiền để phát triển dự án)
– Một “nơi” mang các bên đến với nhau để khởi động ý tưởng, thường là một website hoặc một diễn đàn.
Crowdfunding mang lại những gì cho startup?
Lợi ích hiển nhiên mà gây quỹ cộng đồng mang lại đó là nguồn vốn rất lớn mà không phải đi vay mượn. Bằng cách “chia để trị”, startup nhận được một khoản tiền lớn từ nhiều khoản ủng hộ nhỏ từ một lượng đông đảo người quan tâm đến dự án.

1. Tiếp cận đến nhiều người hơn
Crowdfunding còn là nơi để thu hút một lượng khách hàng tiềm năng có thể sẽ trở thành những người mua hàng thực thụ và trở thành đại sứ của dự án, giúp truyền miệng để nhiều người biết về dự án hơn.
Ví dụ, kênh gây quỹ cộng đồng Kickstarter có đến hơn 15 triệu người đang hoạt động và ủng hộ cho hơn 400.000 dự án khác nhau. Có thể thấy, dù gây quỹ không thành công nhưng chiến dịch cũng sẽ giúp startup nhận được sự biết đến của nhiều người hơn.
2. Nhìn lại sản phẩm của mình
Để thật sự ra mắt một chiến dịch gây quỹ cộng đồng thành công, các startup phải chuản bị rất kỹ càng. Điều này thường bao gồm một quá trình nhìn lại tổng thể công ty, từ lịch sử hình thành và phát triển của công ty, những phiên bản của sản phẩm, các thành viên, và nhiều thứ khác.
Quá trình này giúp các startup nhìn nhận lại bản thân để có thể tạo nên một chiến dịch crowdfunding hiệu quả và thành công nhất.
3. Xác nhận độ khả thi của ý tưởng startup
Có nhiều cách để “trao thưởng” cho những người ủng hộ dự án. Cách phổ biến đó là dựa trên phần thưởng, nghĩa là những ngưới/nhóm đã ủng hộ tham gia vào việc ra mắt một sản phẩm mới sẽ được mua sản phẩm ở mức giá ưu đãi hoặc được nhận một món quà cho khoản đầu tư của họ.
Từ sự phản hồi đầy hữu ích của công chúng đối với dự án, các startup có thể biết được những điểm có thể được cải thiện ở sản phẩm hay dự án của mình. Đây là những kinh nghiệm vô cùng quý giá mà crowdfunding có thể mang lại.
4. Tính hiệu quả
Một trong những lợi ích của việc gây quỹ cộng đồng trực tuyến là ở độ hiệu quả của việc thực hiện chiến dịch. Tât cả các nỗ lực gây quỹ đều được chuẩn hóa ở cùng một nơi (thường là một trang web) mà hàng trăm, hàng nghìn nhà đầu tư tiềm năng có thể dễ dàng tiếp cận để ủng hộ dự án một cách nhanh chóng và dễ dàng thông qua các cổng thanh toán điện tử.
Đã qua rồi cái thời mà doanh nghiệp phải in tài liệu, gửi tờ rơi hay gọi điện đến hàng trăm nhà tài trợ tiềm năng được. Các nỗ lực quảng bá, thu hút, và kêu gọi quỹ truyền thống và thủ công giờ đã có thể được hoàn tất trực tuyến ở định dạng dễ tiếp cận hơn, giúp startup có nhiều thời gian hơn để “chăm lo” cho những việc quan trọng không kém khác.
Nhà đầu tư được gì?
Có nhiều cách để “trao thưởng” cho những người ủng hộ dự án. Cách phổ biến đó là dựa trên phần thưởng, nghĩa là những ngưới/nhóm đã ủng hộ tham gia vào việc ra mắt một sản phẩm mới sẽ được mua sản phẩm ở mức giá ưu đãi hoặc được nhận một món quà cho khoản đầu tư của họ.

Tùy vào mỗi startup mà nhà đầu tư cộng đồng sẽ nhận lại những ưu đãi riêng. Ví dụ, khi ủng hộ Vulcan trong chiến dịch đem 30 cánh tay giả đến cho 30 người khuyết tật, nhà đầu tư có thể nhận được những “combo” quà xinh xắn, như là một mô hình nhỏ của tay robot Vulcan được in bằng công nghệ 3D.
Nghe có vẻ hay? Xem thêm về dự án gây quỹ cộng đồng của Vulcan.
Startup Việt Nam có thể gây vốn cộng đồng không?
Dạo một vòng các trang web hoạt động trong lĩnh vực Crowdfunding trên thế giới như KickStarter, IndieGoGo, GoFundMe, CircleUp,.. ta có thể thấy vô vàn loại hình và lĩnh vực mà các dự án mời gọi gây quỹ: từ phim ảnh, ca kịch, chương trình từ thiện, dự án dân sinh, game đến nghiên cứu khoa học, bất động sản, start-up,…
Có thể nói crowdfunding là một hình thức gọi vốn dành cho bất cứ ai, không kể quy mô hay lĩnh vực. Đặc biệt, đối với các startup nhỏ thì crowdfunding là một sân chơi tốt. Việc tìm tới các nhà đầu tư để huy động nguồn vốn ban đầu khoảng vài chục cho tới vài trăm triệu VND là điều không hề dễ đối với “những con cá nhỏ. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều startup tìm đến với mô hình gọi vốn cộng đồng.

Dù bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông sản hay sản xuất máy móc công nghiệp, bạn cũng có thể tìm tới những cộng đồng crowdfunding để gọi vốn. Đừng ngần ngại, sân chơi này dành cho tất cả mọi người. Chỉ cần bạn có một ý tưởng thật sự hay và thiết thực thì gây quỹ cộng đồng là một sân chơi mà các startup nên một lần dấn thân vào thử.
Một ví dụ cụ thể là startup Code4Startup của anh Leo Trieu đã gọi vốn thành công 32,358 USD chỉ trong 30 ngày.
“Mẹo” huy động vốn cộng đồng thành công cho startup Việt?
Vậy, làm gì để có được một đợt gọi vốn thành công từ cộng đồng mạng? Để huy động vốn thành công với hình thức này cũng cần một số “mẹo”, nếu không, dù sản phẩm có tốt cũng khó lòng thu được tiền từ đây.
1. Thông báo “phủ đầu” đến những nhà đầu tư đầu tiên
Cần lưu ý về thuật toán của các trang gây quỹ cộng đồng. Hãy gửi một email thông báo đến những nhà đầu tư đầu tiên, những người mà sẽ chắc chắn ủng hộ cho dự án, để tạo “buzz”.
Các dự án khi vừa ra mắt nếu nhận được nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng sẽ được xếp hạng cao hơn và sẽ xuất hiện nhiều hơn và ở những vị trí dễ thấy hơn trên trang đó. Từ đó mà khả năng nhận được ủng hộ cũng sẽ tăng lên.
2. Chia sẻ một câu chuyện truyền cảm hứng
Trước tiên, các startup cần kể một câu chuyện chân thật về công ty, tầm nhìn và ước vọng của dự án. Từ đó, đem câu chuyện hay chia sẻ trên các trang mạng xã hội.
Có thể những người tương tác trên Facebook sẽ không ủng hộ trực tiếp cho dự án nhưng họ sẽ là cầu nối cho nhiều người khác, những người mà có thể sẽ trở thành những nhà đầu tư lớn của chiến dịch gây quỹ.
3. Đặt các mốc mục tiêu để khuyến kích mọi người
Để tạo được cảm giác “gấp rút”, khiến cho các nhà đầu tư đứng ngồi không yên, 24 giờ cuối cùng là thời điểm thích hợp để triển khai những “chiêu” marketing cho dự án.
Ví dụ, tạo ra một “đơn hàng đặc biệt” sẽ đóng trong vòng ít giờ nữa có thể sẽ giúp dự án gây quỹ cộng đồng nhận được một lượng đầu tư tăng vọt vào những giây phút cuối.
5. Liên tục cập nhật tiến trình của dự án
Cần giữ mối quan hệ với những nhà đầu tư trong suốt chiến dịch gây quỹ. Nếu bạn không chia sẻ cập nhật thường xuyên với họ, họ sẽ dần mất đi sự quan tâm và chiến dịch gây quỹ có thể sẽ không thể thu hút thêm được nhiều người như mong muốn ban đầu.
Startup có thể cập nhật tình hình qua mạng xã hội hoặc email. Ngoài ra thì các nền tảng gây quỹ cộng đồng thường có các công cụ tích hợp cho phép gửi tin nhắn cho những nhà hảo tâm. Nên tận dụng các công cụ này và để giữ liên lạc giữa startup và tất cả mọi người.

Vào Tháng 3/2019 – Vulcan Augmetics sẽ launch chiến dịch Cowdfunding/Gọi Vốn Cộng Đồng để tài trợ 30 cánh tay robot và kết hợp với các đối tác doanh nghiệp cung cấp việc làm lâu dài cho 30 người khuyết tật tại Việt Nam.
Chiến dịch sẽ bao gồm sự kiện launch sản phẩm tay robot đa năng giá bình dân ‘Made in Vietnam’ đầu tiên vào cuối Tháng 3! Các bạn có thể đăng ký nhận thông tin update về chiến dịch và vé mời sự kiện đặc biệt này từ Vulcan team tại website của Vulcan: http://www.wearevulcan.com/